Hoàng quý thái phi Khang Từ Hoàng thái hậu

Năm Đạo Quang thứ 30 (1850), ngày 14 tháng 1 (tức ngày 25 tháng 2), Đạo Quang Đế băng hà, Hoàng tứ tử Dịch Trữ lên nối ngôi, tức Thanh Văn Tông Hàm Phong Đế.

Ngày 26 tháng 1 (âm lịch) cùng năm, Hàm Phong Đế lấy lý do ["Thị phụng Hoàng khảo thục thận tố trứ, duẫn nghi gia sùng xưng hào dĩ thân kính lễ"] mà ra chỉ dụ tôn phong Hoàng quý phi làm Hoàng khảo Khang Từ Hoàng quý thái phi (皇考康慈皇貴太妃)[2]. Việc một phi tần của Hoàng khảo, sang triều liền có tôn vị ["Thái phi"] là trường hợp hiếm của triều Thanh, do "Thái phi" đều dùng để gọi các phi tần của triều trước nữa có tuổi thọ và danh vọng cao, như Hoàng tổ Như Hoàng quý thái phi cùng lúc được tấn tôn với bà. Việc này cho thấy sự tôn sùng và kính cẩn của Hàm Phong Đế đối với bà. Con trai bà là Hoàng lục tử Dịch Hân được phong làm ["Hòa Thạc Cung Thân vương"], ban hồng nhung kết đỉnh quan.

Hàm Phong nguyên niên (1851), ngày 15 tháng 3 (âm lịch), mệnh Đại học sĩ Tái thượng A (赛尚阿) làm Chính sứ, Đại học sĩ Kỳ Tuấn Bảo (祁寯藻) làm Phó sứ, chính thức tiến hành lễ sách phong cho Khang Từ Hoàng quý thái phi[3].

Sách văn viết:

Khang Từ Hoàng quý thái phi và một hoàng tử (có thể là Cung Thân vương).

化佐坤仪,令则早宣于兰戺;礼隆巽命,徽音聿播于椒涂。爰考彝章,式崇显号。皇考康慈皇贵妃。温恭秉德,淑慎垂模,度著珩璜。侍宵衣而矢恪,仪昭圭璧,式星掖以流徽。璇闱表翊赞之勤,久隆恩眷;彤管协臧嘉之颂,益茂芳型。宜奉崇仪,用彰懿范。谨以册宝尊封为皇考康慈皇贵太妃。于戏,康强逢吉,蕃厘增玉篆之辉;慈爱为怀,令闻焕金泥之字。谨言。

...

Hóa tá khôn nghi, lệnh tắc tảo tuyên vu lan sĩ; lễ long tốn mệnh, huy âm duật bá vu tiêu đồ. Viên khảo di chương, thức sùng hiển hào.

Hoàng khảo Khang Từ Hoàng quý phi, ôn cung bỉnh đức, thục thận thùy mô, độ trứ hành hoàng. Thị tiêu y nhi thỉ khác, nghi chiêu khuê bích, thức tinh dịch dĩ lưu huy. Toàn vi biểu dực tán chi cần, cửu long ân quyến; đồng quản hiệp tang gia chi tụng, ích mậu phương hình. Nghi phụng sùng nghi, dụng chương ý phạm.

Cẩn dĩ sách bảo, tôn phong vi Hoàng khảo Khang Từ Hoàng quý thái phi.

Vu hí! khang cường phùng cát, phồn li tăng ngọc triện chi huy; từ ái vi hoài, lệnh văn hoán kim nê chi tự. Cẩn ngôn.

— Sách tôn Hoàng quý phi làm Khang Từ Hoàng quý thái phi

Tuy không phải là mẹ ruột nhưng Hàm Phong vẫn kính trọng và yêu mến bà. Trong đại nội, Hoàng đế đặc biệt dâng Thọ Khang cung (壽康宮) cho Hoàng quý thái phi, còn dâng thêm Kỉ Xuân viên (绮春园) trong Viên Minh Viên phụng dưỡng, theo sử ký ghi lại thì đây chính là khi xưa Đạo Quang Đế dùng lễ này để đối đãi Hiếu Hòa Duệ Hoàng hậu, ngầm ý rõ Hàm Phong Đế đã lấy lễ đãi Thái hậu đối với bà, lễ dành cho bà thậm chí còn hơn cả người là phi tần của Gia Khánh Đế - Hoàng tổ Như Hoàng quý thái phi. Tuy nhiên, dù được cung phụng đặc biệt như vậy nhưng Khang Từ Thái phi vẫn chưa thỏa mãn. Khi là Hoàng quý phi, bà tuy có tiếng phụ quản hậu cung, thống lĩnh phi tần hơn 15 năm mà không có được thân phận Hoàng hậu, lệnh chúng phi tần thần phục thực hết sức gian nan vất vả. Hơn nữa, Hàm Phong Đế không phải bản thân bà sở sinh, chăm sóc nếu có vô ý sẽ bị người ngờ vực dẫn lửa thiêu thân, bởi vậy so với nuôi nấng thân sinh tử Dịch Hân càng thêm hao phí tinh lực. Vậy mà vẫn không chiếm được vị trí chính thất, đến phút cuối chính là nỗi hận lớn nhất của bà.

Do vậy, Khang Từ Thái phi hy vọng Hàm Phong Đế lấy hiếu vị danh, tôn dưỡng mẫu làm Hoàng thái hậu. Nhưng Hàm Phong Đế cho rằng sinh mẫu Hiếu Toàn Thành Hoàng hậu vừa là [Tiên đế Chính cung], vừa có thân phận cao quý mà còn chưa có phúc hưởng đãi ngộ Thái hậu một ngày. Khang Từ Thái phi vừa không phải Hoàng hậu của Tiên đế, vừa không phải mẹ đẻ của mình, thân phận so với nhị vị Tiên Hoàng hậu cũng không bằng, sao lại có thể lấy thân phận mẹ nuôi mà lên làm Hoàng thái hậu. Việc này Thanh triều từ xưa đến nay chưa có tiền lệ.

Tác phẩm Kỳ Tường cố sự (祺祥故事) của Vương Tương Ỷ (王闿运) có nói đến một chuyện rằng. Có một ngày, Cung Thân vương Dịch Hân sau khi đến Thọ Khang cung vấn an thì rời cung, Hàm Phong Đế sau đó cũng đến. Thái giám muốn báo Thái phi biết, nhưng Hàm Phong gạt tay không cần, từ từ đến bên giường của bà ngồi. Thái phi đương lờ mờ tỉnh lại, thấy bóng người ở đầu giường, tưởng là Cung Thân vương bèn uể oải nói đại ý: "Sao còn ở lại? Ta sẽ thay ngươi làm, không cần lo! Tính tình hắn không an định, chớ dại dột mà sinh nghi hiềm". Trong lời nói có ý oán hận Hàm Phong Đế tính tình cổ quái, Hoàng đế thấy Thái phi hiểu lầm, khẽ gọi: "Ngạch nương". Thái phi biết là Hoàng đế, chỉ nhìn lại thoáng qua rồi ngủ tiếp, không nói lời nào. Từ đây tình cảm giữa Hàm Phong Đế và Thái phi có rạn nứt và sinh nghi hiềm, bởi vậy Hoàng đế đối Cung Thân vương nghi kỵ càng thêm trọng[4].